a phòng anh.
Nhưng làm gì có mãi mãi? Cái cần đến sẽ đến, muốn trốn cũng không thể. Cửa đột nhiên mở ra từ phía trong, Mặc Sênh không kịp tránh, đứng ngây người đối diện với người vừa mở cửa.
Dĩ Văn!
Có những người dường như nhất định sẽ gặp nhau, hơn nữa lại cùng một nguyên do như vậy, ví dụ chị và Dĩ Văn.
Về sau Mặc Sênh luôn trăn trở một câu hỏi “người con gái hiền thục đẹp như thơ đó tâm trạng thế nào khi người đàn ông cô ta yêu giới thiệu với người khác: – Đây là em gái tôi!”.
Chị đã từng dạn dĩ tự giới thiệu:
- Tôi là bạn gái của anh trai cô!
Dĩ Văn cũng không hề phản bác, cô ấy sẽ đau khổ đến mức nào.
- Ồ! Dĩ Văn, Dĩ Văn đã lâu không gặp
- Mặc Sênh, cuối cùng cũng gặp lại chị.
Đúng vậy, cuối cùng họ cũng gặp nhau!
- Chị đến thăm Dĩ Thâm ư? – Dĩ Văn hỏi – Anh ấy vừa ngủ, nếu chị có thời gian có thể cùng tôi đi thăm nhà anh ấy không? Tôi cần lấy giúp anh ấy một ít đồ dùng.
Mặc Sênh do dự gật đầu:
- Cũng được.
- Anh ấy…không sao chứ? – Mặc Sênh rụt rè hỏi khi hai người đi xuống cầu thang.
- Không sao. Bác sĩ nói chỉ cần nghỉ ngơi, chú ý ăn uống là ổn.
- Thế thì tốt! – Mặc Sênh nói nhỏ.
Trên đường đi, họ cũng chỉ trao đổi với nhau xung quanh những chuyện gần đây.
Dĩ Văn nói:
- Tôi đã định tìm chị từ lâu, nhưng công ty điều động công tác, bận quá mãi mới về được một lần, Dĩ Thâm lại đột nhiên bị ốm. Cuối cùng, tôi cũng đã trải nghiệm sự vất vả của một người phụ nữ đi làm.
Mặc Sênh nói:
- Tôi không ngờ Dĩ Văn lại trở thành một phụ nữ mạnh mẽ đến vậy!
- Chị cũng thế đấy thôi? Hồi xưa chị cầm máy ảnh chụp chơi, vậy mà về sau lại trở thành phóng viên ảnh chuyên nghiệp.
Mặc Sênh cười:
- Bây giờ tôi cũng chỉ chụp chơi thôi.
Dĩ Văn nói:
- Nếu ông chủ của chị mà nghe được những lời như thế chắc ông ấy giận lắm. Đến rồi, ở đây – Dĩ Văn dừng lại, lấy chìa khóa mở cửa, vào nhà.
Mặc Sênh chần chừ một lát, cũng vào theo.
Nhà của Dĩ Thâm ở tầng mười hai của một khu chung cư cao cấp, phòng rất rộng nhưng ít đồ đạc, không hề có vật nào thừa, chỉ có bộ ấm chén trên bàn và những cuốn tạp chí trên giá chứng tỏ có người ở.
- Mấy năm nay anh ấy bận nhiều việc, thỉnh thoảng mới gặp nhau – Dĩ Văn vừa thu
xếp đồ vừa nói, đến mở tủ lạnh, chị lắc đầu – Quả nhiên là chẳng có gì, anh ấy có lẽ là người biết tự chăm sóc bản thân nhất thế giới. Lần trước tôi đến đây, thấy anh ấy đang ăn mì ăn liền, mới kéo anh ấy đi siêu thị, không ngờ lại gặp chị.
Dĩ Thâm luôn là như thế, chị vẫn biết. Anh ấy luôn có chuyện quan trọng để làm hơn ăn uống. Đối với những người như vậy chỉ có đối sách: Anh không ăn, tôi cũng không ăn.
- À – Dĩ Văn bỗng nhiên nói – Tôi sắp cưới, chị biết không chú rể là sếp trực tiếp của tôi, giống như câu chuyện cô Lọ Lem.
Mặc Sênh ngạc nhiên nhìn Dĩ Văn:
- Chị kết hôn ư?
- Đúng vậy, tôi sắp cưới – Dĩ Văn cười gật đầu, bỗng trở nên tư lự, đoạn thở dài – Trước đây, tôi không hiểu gì nên mới nói lung tung với chị như vậy, về sau mới biết có những thứ không thể tranh giành được. Với Dĩ Thâm lòng tôi đã nguội từ lâu.
- Vì sao?
- Có lẽ tôi không kiên nhẫn được như anh ấy, tôi không thể chờ đợi như anh ấy. Dĩ Thâm có thể chờ đợi hết năm này sang năm khác trong vô vọng, nhưng tôi thì không thể – Giọng Dĩ Văn trầm xuống – Khoảng ba bốn năm trước, khi Dĩ Thâm thắng một vụ án, tôi và mấy người bạn đến chúc mừng, hôm ấy anh ấy uống say, tôi phải đưa về. Dĩ Thâm nôn dữ quá, khi tôi dọn dẹp cho anh ấy, đột nhiên Dĩ Thâm ôm lấy tôi, hỏi dồn dập: “Vì sao em không trở về? Anh đã sắp từ bỏ tất cả, vì sao em vẫn không chịu trở về?”
Dĩ Văn ngừng lại cười đau khổ:
- Nếu những lời đó vẫn chưa đủ làm tôi nguội lòng… Chị đến đây.
Dĩ Văn kéo Mặc Sênh đến phòng sách, rút ra một cuốn, lật một trang đưa cho chị:
- Đây là do tôi vô tình phát hiện ra, không chỉ cuốn này…
Mặc Sênh hấp tấp đón lấy cuốn sách, những câu thơ viết vội, nét chữ viết rất láu, nỗi day dứt đau khổ không ngừng của người viết.
Gập cuốn sách lại, Dĩ Văn nói những lời gì Mặc Sênh không nghe thấy nữa.
Tiếng cười trong vắt của cô thiếu nữ như từ nơi xa xôi vọng về:
- Hà Dĩ Thâm, anh còn chưa biết tên em! Em tên là Triệu Mặc Sênh, Mặc là u mặc, nghĩa là tĩnh lặng. Sênh là một loại nhạc cụ. Tên em có điển tích hẳn hoi, có xuất xứ từ một câu thơ của nhà thơ Từ Chí Ma:
“Im lặng là khúc tiêu mặc biệt li, sâu lắn