tư duy tự sự của Nam Cao qua 'Chí Phèo'
Một số đặc điểm trong tư duy tự sự của Nam Cao qua 'Chí Phèo'
Nghiên cứu truyện "Chí Phèo", nhiều người nhận ra trong tác phẩm này hội đủ những yếu tố cấu thành một chủ nghĩa hiện thực kiểu Nam Cao. Cụ thể, tác giả "Chí Phèo" không chỉ góp vào những nét vẽ thần tình để hoàn tất bức tranh thực tại đời sống xã hội VN trong một thời điểm lịch sử, mà hơn thế, với cảm hứng truy nguyên mạnh mẽ, nhà văn đã chỉ ra nguyên nhân sâu xa của bấy nhiêu thực trạng được phơi bày.
Tuy nhiên, nhìn sâu vào cấu trúc nội tại của tác phẩm, ta còn có thể nhận thấy rằng: cảm quan hiện thực sắc bén của Nam Cao thấm đẫm mọi thành tố, khiến cho mọi tế bào nghệ thuật của tác phẩm tồn tại thống nhất như trong một sinh thể; chúng tương tác, quy định lẫn nhau một cách chặt chẽ, logic, thể hiện đặc điểm riêng của một kiểu tư duy tự sự.
Theo thời gian, giá trị của tác phẩm Chí Phèo (chủ yếu qua hình tượng nhân vật chính) dường như đã được lĩnh hội khá đầy đủ, sâu sắc ở nhiều phương diện ý nghĩa: điển hình cho tầng lớp nông dân bần cùng hoá, lưu manh hoá, bi kịch bị từ chối quyền làm người, sức khái quát hiện thực, sự thể hiện cảm hứng nhân đạo cũng như khả năng khám phá chiều sâu tâm lý con người của tác giả... Những khía cạnh ấy đương nhiên là hết sức quan trọng. Nhưng một số vấn đề khác cũng quan trọng không kém, đó là hệ thống hình tượng được tạo nên bởi các thành tố đan dệt trong mối quan hệ tương liên tương tác hết sức tinh vi, là sự phối thuộc lẫn nhau giữa các tình tiết nghệ thuật; là tính tất yếu của các sự kiện, biến cố cũng như biểu hiện của tâm lý nhân vật... Tóm lại, thoát khỏi cách bình giá thông thường ý nghĩa nghệ thuật của hình tượng, cố gắng nhìn nhân vật như một “khách thể hành động”, ta nhận thấy Nam Cao không hề giản đơn, không hề lơi lỏng trong tư duy và xử lý các yếu tố tự sự của mình.
1. Sự chặt chẽ trong tư duy tự sự của Nam Cao bộc lộ trước hết ở việc sáng tạo một mạng lưới các chi tiết nghệ thuật có độ nén rất lớn và tổ chức chúng thành một hệ thống có sức biểu đạt cao. Nỗ lực sáng tạo của Nam Cao thể hiện ở sự gia tăng những chi tiết có chức năng kép: vừa giữ chức năng miêu tả, vừa giữ chức năng giải thích. Đó là những chi tiết có vai trò rất quan trọng trong kết cấu tác phẩm. ở vị trí vốn có trong văn bản tự sự, các chi tiết đắt giá có khả năng đem đến cho người đọc sự nhận thức rất sâu về đối tượng. Chức năng miêu tả, chức năng định danh của chúng là hết sức rõ ràng. Thiếu chúng, khó mà hình dung được đầy đủ những đặc điểm của đối tượng. Nhưng mặt khác, đặt vào trong hệ thống, chúng lại hàm chứa khả năng lý giải, khả năng cắt nghĩa rất lớn. Rất nhiều điều ẩn khuất, nhiều nghịch lý thấp thoáng chỗ này chỗ kia bỗng trở nên sáng rõ hơn bởi những chi tiết như thế. Có thể thấy điều này, chẳng hạn qua lai lịch Chí Phèo được Nam Cao miêu tả trong tác phẩm. Chỉ bằng mấy dòng ngắn gọn, dường như tác giả đã tiên lượng đầy đủ về số phận nhân vật. Với một bản “lý lịch” khá đặc biệt như thế, dường như trong con người Chí Phèo, sự bất trắc, nỗi thống khổ đã được “cài đặt” sẵn, chúng tiềm ẩn và sẽ bùng phát bất cứ lúc nào trên mỗi bước đường đời. Nói cách khác, trong bối cảnh cuộc sống lúc bấy giờ, một con người như Chí Phèo không bất hạnh mới là vô lý. Lời đay nghiến của bà cô đối với Thị Nở khi thị định gắn đời mình với Chí Phèo: “đàn ông chết hết rồi hay sao mà lại đi đâm đầu lấy một thằng không cha không mẹ”... chỉ là sự láy lại thái độ nhất quán của cộng đồng đối với một số phận coi như đã được an bài một cách hiển nhiên trong ý thức mọi người.
Từ điểm nhìn mà ta đang tuân thủ, cái thiện của nhân vật Chí Phèo, cũng là chi tiết có độ nén lớn. Khác với Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng - con người hư hỏng từ trong trứng nước - Chí Phèo vốn lương thiện, một sự lương thiện gần như bản năng. Không phải là kết quả của một sự giáo dục nào đáng kể, cái thiện căn của Chí Phèo vẫn đủ mạnh để giúp Chí, ngay giữa tuổi hai mươi, vượt qua sự cám dỗ của một người đàn bà dâm loạn. Nó cũng không dễ dàng bị đánh bật khỏi tiềm thức bởi những