Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi
hai câu cuối: Ca ngợi cảnh “Dân giàu đủ khắp đòi phương” đã có hay ước vọng cảnh “Dân giàu đủ khắp đòi phương” chưa có?
Tác giả cuốn Tư liệu Văn 10, phần Văn học Việt Nam, viết:
“Cảnh sống của nhân dân náo nhiệt tấp nập và giàu đủ nữa. Đó là cảnh làng cá bước vào buổi chợ với những mẻ bội thu, cảnh mua bán thật tấp nập yên vui. Không có một dấu hiệu gì của sự trì trệ, của sự mất an ninh, của sự thiếu đói. Đúng là cảnh đời thái bình thịnh trị, rất đáng gảy lên khúc đàn vua Thuấn.
Tâm hồn Nguyễn Trãi thảnh thơi, sự thảnh thơi hiếm có giữa những trang thơ Nôm của ông. Nhà thơ vui với cái vui của người dân lao động, vui chân thật bình đẳng (…) Nhà thơ lạc quan với cuộc sống thiên nhiên đang lên, đang phát triển tràn ngập màu xanh và đầy ắp đời thường no đủ”.
Cũng với cách hiểu, cách luận giải theo hướng này, tác giả cuốn Giảng văn Văn học Việt Nam viết:
“Nguyễn Trãi yêu thiên nhiên, nhưng trên hết vẫn là tấm lòng của ông tha thiết với con người, với dân, với nước (…) Thật hiếm hoi khi thấy Nguyễn Trãi có được những phút giây thanh thản. Ở đây ông có cả một “ngày trường” thưởng thức thiên nhiên với một tâm trạng lâng lâng, sảng khoái. Ức Trai tự giành cho mình quyền “Rồi hóng mát thuở ngày trường” bởi niềm mơ ước, nỗi trăn trở dày vò, mục đích lớn nhất của đời ông đã được thực hiện: dân ấm no hạnh phúc.
Nhìn cảnh sống của dân, đặc biệt là người lao động - những dân chài lam lũ - được yên vui, no đủ, Nguyễn Trãi ước có được chiếc đàn của vua Thuấn để gẩy khúc Nam phong ca ngợi cảnh:
Dân giàu đủ khắp đòi phương”.
Chúng ta biết rằng, trong Quốc âm thi tập, bên cạnh phần thơ thiên nhiên và bao trùm lên cả đề tài thiên nhiên là một chủ đề khác quan trọng hơn: sự giãi bày những tâm sự thiết tha nhưng phải nén kín của nhà thơ. Đặc biệt xuyên suốt những nỗi niềm tâm sự ấy có một nét nổi bật, làm thành cảm hứng chủ đạo trong thơ Ức Trai, đó là tấm lòng yêu thương, gắn bó với con người, với cuộc đời không lúc nào nguội lạnh, ý muốn thiết tha giúp nước và chủ nghĩa trung quân tích cực… Quốc âm thi tập mở ra cho người đọc thấy một trái tim đau thương cao cả, một tâm hồn rất mực giàu có, một tình cảm biết nén nỗi buồn để lúc nào cũng có thể lạc quan yêu đời.
Nguyễn Trãi suốt đời đau đáu một hoài bão lớn: làm gì để “yên dân”, người dân lầm than khổ cực được yên vui, an lành, no ấm, hạnh phúc trong “nền thái bình muôn thuở”. Đáng tiếc, quan lộ của Nguyễn Trãi không mấy yên ổn, nên ông không có đủ cơ hội đem tất cả chí hướng và tài năng của mình cống hiến cho nước, cho dân. Khi đã không còn được trọng dụng, đã lui về bầu bạn cùng thiên nhiên trong sạch và tràn đầy sức sống, lòng Nguyễn Trãi vẫn không nguôi hướng về cuộc đời sôi động còn bao nỗi cay đắng, bất công, vẫn thiết tha mong muốn lại được mang tài trí của mình ra giúp đời giúp nước:
Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng.
Diễn giải như thế để chúng ta có thể thấy cách hiểu của Nguyễn Thành Chương và Lã Nhâm Thìn trong các phần trích dẫn trên đây, đặc biệt là ở những chỗ đã được người viết bài này gạch chân, về hai câu cuối bài Cảnh ngày hè là không ổn. Các cách hiểu sau đây giàu sức thuyết phục hơn:
Cách hiểu của Đoàn Đức Phương trong Học văn lớp 10, NXB Giáo dục, 1995:
“Hai câu cuối kết đọng biết bao suy tư của nhà thơ. Ông vui với thiên nhiên, với con người, nhưng hơn thế ông còn khao khát hành động để giúp đời giúp nước. Niềm khao khát ấy thể hiện ở ước mơ có được cây đàn của vua Thuấn để ca ngợi cảnh thái bình, hay nói đúng hơn, đó là ước mơ: làm sao có được một triều đại thái bình thịnh trị như đời Nghiêu Thuấn để nhân dân muôn nơi được sống trong sung sướng, hạnh phúc, yên vui. Ước mơ xuất phát từ những gì chưa có. Thời Nguyễn Trãi chưa có cảnh: “Dân giàu đủ khắp đòi phương”. Do đó hai câu thơ nặng trĩu đau đời và sâu lắng một tinh thần trách nhiệm cao cả”;
Và cách hiểu của các soạn giả Sách giáo viên Ngữ văn 10 của chương trình thí điểm phân ban, bộ 1, cũng như của chương trình nâng cao, phân ban đại trà hiện