TM. Truyện Kiều của Nguyển Du
vẫn biết cưu mang, cứu vớt những số phận oan khổ , trầm luân. Còn lại số đông rất đáng hỏi tội, như nàng Kiều đã có lần nhờ vào thanh gươm của Từ mà hỏi tội. Bản chất con buôn, biến người thành một thứ hàng thì không một ai đóng vai đạt như tên giám sinh họ Mã. Hắn bẻm mép và trai lơ nhưng lại tự lột mặt nạ bằng hành vi giao tiếp "trước thầy sau tớ" hỗn độn kiểu "cá đối bằng đầu", nhất là ti tiện "Cò kè bớt một thêm hai" để mua rẻ một thứ hàng vô giá chắc mẩm là có lãi mười mươi. Nhân vật bẩn thỉu này lẽ ra không đáng có mặt trong đời Kiều. Nhưng vì có tiền , hắn lại có thể múa may nhảy nhót "Ghế trên ngồi tót sỗ sàng" để phán quyết. Tú Bà bày mưu bắt Kiều tiếp khách đã nhờ đến sự lì lợm, tráo trở của Sở Khanh. Bọn này mất hết cả nhân tính lẫn nhân hình. Sở Khanh phải đeo mặt nạ giả, còn nếu không, như bộ mặt thật của Tú Bà, không ai nhìn được. Thuý Kiều lần đầu nhìn thấy đã không khỏi ngạc nhiên vì sự phì nộn, nhất là vì cái màu da như da người chết của mụ. Cái đắc chí của mụ là cái đắc chí hèn mọn của kẻ tiểu nhân. Khi bắt được Kiều bỏ trốn , y thật lòng hả dạ :
Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra
Đang tay vùi liễu dập hoa tơi bời.
Chứng kiến một bông hoa non nớt và trinh bạch là nàng Kiều lần đầu tiên phải chịu cảnh "Uốn lưng thịt đổ dập đầu máu sa", mụ đâu có một chút mủi lòng. Nếu không có sự cầu xin của Kiều, nhất là câu "Phận tôi đã vậy vốn người để đâu" thì Tú Bà đâu có sực tỉnh để dễ bề buông tha. Nhưng buông tha roi vọt để làm cái việc còn đớn đau hơn roi vọt là tiếp khách làng chơi, mụ đã đạt được cái đích cuối cùng. Nhưng người đàn bà trong buổi báo oán sau này xếp hàng thứ nhất không phải là Tú Bà, mà là vợ cả của Thúc Sinh, họ Hoạn. Điều này không phải ngẫu nhiên. Đối với Tú Bà, Kiều biết người đó là ai (và đã một lần đánh được vào tâm lý). Còn Hoạn Thư có mưu chước khác vì con người y cũng khác. Trước con người này, Kiều bất lực trong sự đối phó. Chẳng hạn như khi bắt Kiều hầu rượu :
Chước đâu có chước lạ đời
Người đâu mà lại có người tinh ma.
Kiều không kịp đề phòng, kể cả sau đó việc hàn huyên tâm sự với Thúc Sinh, Hoạn Thư tạo tình huống để lừa bắt quả tang. Lần thứ hai, Thuý Kiều thua cuộc. Nàng không khỏi thở dài mà kinh hãi "Người đâu sâu sắc nước đời". Kiều đã nghĩ đúng, nghĩ đúng mà hoảng hồn về cái nơi "miệng hùm nọc rắn". Thoát khỏi hai cạm bẫy là lầu xanh và nhà Hoạn Thư, đến được với Từ Hải, Kiều như một người leo núi cần đến sự nghỉ ngơi. Trai anh hùng gái thuyền quyên đã là một mô hình lý tưởng. Không dễ mấy ai hiểu và yêu Kiều - một cô gái lầu xanh - như Từ Hải. Còn với nàng Kiều, có bao giờ hạnh phúc hiếm hoi lại đưọc che chở bằng một thanh gươm?
Nhưng sự tráo trở của một thứ Sở Khanh được diễn lại. Tài thao lược kinh luân của viên tổng đốc Hồ Tôn Hiến chẳng qua cũng chỉ là sự lọc lừa được nâng cấp, nó đánh vào lòng tin của một người cả tin. Người cả tin ấy là nàng Kiều sau khi đã trải qua bao "gió dập sóng va", một kẻ lưu lạc xa nhà với một quê hương đêm ngày tưởng nhớ. Nó lại nhân danh một quyền lực tối cao để mà hứa hẹn. Mũi tên của Hồ Tôn Hiến đã nhằm vào trúng đích. Đó là Kiều, một con người tưởng như đã từng trải, dạn dày, nhưng vẫn còn một góc khuất ảo tưởng, ngây thơ. Bị trúng kế mà khuyên Từ Hải ra hàng, nàng biết đâu đã đốt cháy không chỉ sự nghiệp của Từ mà đốt luôn những gì còn sót lại - chút hi vọng của mình được nhen nhóm lên sau hàng chục năm trời lưu lạc. Vì vậy, có lẽ chưa có cái đau đớn nào như lần này. Cũng vẫn là tiếng đàn, lần này gẩy lên không chỉ "như khóc như than" mà đã là "bốn dây rỏ máu", bởi nó không còn là xót xa mà đã căm giận, oán hờn. Vì ảo tưởng và ngây thơ mà Kiều đã giết Từ Hải và vô hình chung cũng là tự giết mình. Vì ảo tưởng ngây thơ mà nàng đã đặt tất cả niềm tin vào kẻ chức trọng quyền cao nhưng lòng lang dạ sói, nham hiểm khôn lường. Sa sẩy lần này, Kiều không còn có cách nào để có thể đứng lên được nữa. Vì vậy mà cái đợi chờ nàng phía trước là "nấm mồ hồng nhan", là con sông Tiền Đường mà Đạm Tiên đã hẹn hò từ mười lăm năm trước.
3.