tư duy tự sự của Nam Cao qua 'Chí Phèo'
nghĩa của chúng đã được phát huy tối đa. Nếu như nhân vật Năm Thọ ngầm lý giải đầy đủ cho cái nguyên cớ Chí Phèo bị đẩy vào tù (cái nguyên cớ vốn rất mù mờ trong con mắt người dân làng Vũ Đại), thì nhân vật Binh Chức lại rọi sáng cái quá trình biến chất của Chí Phèo. Nhờ sự xuất hiện của những nhân vật ngoài cốt truyện ấy mà tính tất yếu trong mọi biến cố của số phận nhân vật chính được bộc lộ sắc nét, rõ ràng hơn. Từ hai nhân vật bên lề của truyện Chí Phèo, ta càng hiểu rõ hơn điều mà Roland Bathes khẳng định khi nghiên cứu cấu trúc truyện kể: “Chỉ có một con đường duy nhất: hoặc trong văn bản, mọi thứ đều có ý nghĩa hoặc không có ý nghĩa nào hết... Trong tác phẩm nghệ thuật không có yếu tố thừa, cho dù sợi chỉ xâu chuỗi đơn vị cốt truyện với các đơn vị khác có thể rất dài, mong manh hay mảnh mai” [3].
Ở bước ngoặt thứ hai, tất cả bắt đầu từ tình huống gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở - một tình huống có tính quyết định cho sự đột biến. Tình huống gặp gỡ này thoạt nhìn có vẻ là hoàn toàn ngẫu nhiên, nhưng quan sát kỹ, ta sẽ thấy Nam Cao đã ngầm chuẩn bị khá chu đáo mọi phương diện.
Về phía Thị Nở, khác với mọi người dân làng Vũ Đại, chưa bao giờ Thị sợ hãi và xa lánh Chí Phèo. Mặc cho Chí là người thế nào, Thị Nở vẫn đi qua vườn nhà Chí Phèo ra sông lấy nước. Thậm chí có lúc thị còn vào nhà Chí Phèo xin rọi lửa, xin rượu bóp chân. Chuyện người dân Vũ Đại kinh sợ Chí Phèo là điều thị không hiểu nổi. Và cái cảnh Thị ngủ ở vườn chuối bờ sông hẳn cũng không phải chỉ có một lần. Vậy nên, việc Chí Phèo gặp Thị Nở như tình trạng như Nam Cao miêu tả trong tác phẩm chỉ là vấn đề thời điểm. Những gì phải xảy ra tất yếu đã xảy ra.
Một điều quan trọng khác có lẽ cũng không nằm ngoài sự cẩn trọng của Nam Cao: mặc dù miêu tả Thị Nở xấu xí, ngẩn ngơ là vậy, nhưng tác giả không hề biến Thị Nở thành một kẻ đần độn về tinh thần. Thị Nở cũng có những khoái cảm xác thịt như mọi người bình thường, vừa cưỡng lại, vừa dâng hiến; vẫn biết thấy ngượng và thinh thích khi nói đến hai tiếng “vợ chồng”; vẫn biết lườm nguýt, e lệ, biết cách âu yếm rất “bình dân” nhưng không kém phần tình tứ... Nghĩa là ở Thị Nở vẫn vẹn nguyên cái “thiên tính nữ” mà tạo hoá đã thổi vào cái hình hài xấu xí thô kệch kia.
Phía Chí Phèo, ta biết rằng Chí chưa bao giờ ý thức về cái xấu “ma chê quỷ hờn” của Thị Nở cũng như chưa hề bận tâm về sự ngẩn ngơ và cái dòng mả hủi của người đàn bà ấy. Không kể lúc say mà cả khi tỉnh táo, Chí vẫn nhận thấy “Thị thế mà có duyên”. Nam Cao đã không để Chí Phèo nhìn Thị Nở bằng con mắt kì thị của người dân làng Vũ Đại. Quả thật, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Nam Cao thể hiện qua những chi tiết vừa nêu, sự gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở sẽ không có được chiều sâu ý nghĩa và giá trị nhân văn.
Là một nhà văn hiện thực chủ nghĩa nghiêm ngặt, Nam Cao hiểu rằng ước muốn trở về với cuộc sống lương thiện của Chí Phèo là điều không hề đơn giản (xét ở góc độ xử lý nghệ thuật). Làm sao để một kẻ đã mất hết nhân tính, chỉ quen đập phá và cắn xé điên dại bật ra được tiếng kêu đòi trở về với cuộc sống hiền lành như những người bình thường? Khát vọng đó nếu có thì nhất định phải diễn ra theo một quá trình hợp lý và phải là kết quả của những tác nhân hết sức đặc biệt nào đó. Hành động cưỡng đoạt Thị Nở của Chí Phèo được miêu tả như là tác nhân kiểu ấy. Nó đặc biệt bởi lần đầu tiên Chí Phèo biết đến người đàn bà với tận cùng mọi cảm giác của mình. Nhân vật AQ (AQ chính truyện của Lỗ Tấn) chỉ mới chạm vào tay Vú Ngò mà đã ngây ngất cái cảm giác về da thịt đàn bà thì mới biết rằng hành động giao hoan với Thị Nở sẽ là “cơn địa chấn” cực mạnh làm biến đổi toàn bộ đời sống sinh, tâm lý của Chí Phèo. Những diễn biến trong nội tâm của Chí Phèo vào cái buổi sáng sau đêm gặp Thị Nở là toàn bộ hệ quả của “cơn địa chấn” kia. Như có người đã chỉ ra, quá trình tâm lý ấy đã diễn ra một cách logic theo kiểu phản ứng dây chuyền. Ở đó, lần đầu tiên sau bao nhiêu năm chìm trong những cơn say triền miên, các giác quan của Chí Phèo dần dần hồi tỉnh để