tay ra hiệu. Thừa Chí biết là sư phụ cho gọi, liền vào ngay trong nhà, thấy có hai đại hán đứng cạnh sư phụ. Chàng ngạc nhiên vô cùng, vì ở trên núi Hoa Sơn này, trừ Mộc Tang ra, chưa có người khách thứ hai tới thăm. Mục Nhân Thanh nói:
- Thừa Chí, con lại chào Vương đại ca và Cao đại ca đi.
Tưởng là bạn của sư phụ, chàng vái chào và miệng gọi “sư thúc,” hai người nọ vội vàng quỳ xuống lạy và nói:
- Mời Viên sư thúc bình thân. Chúng cháu đâu dám nhận lễ của sư thúc.
Thấy gọi mình là sư thúc, chàng ngơ ngác không hiểu. Mục Nhân Thanh cả cười một hồi rồi mới nói:
- Thôi! Đứng dậy cả đi!
Thừa Chí vội đứng thẳng lên. Chàng thấy hai người nọ ăn mặc lối quê mùa, trông cũng có vẻ nhanh nhẹn và oai hùng, Nhân Thanh cười nói:
- Con chưa theo thầy xuống núi bao giờ nên không biết vai vế của con ra sao? Thôi đừng khách sáo nữa, và ai cũng đừng gọi ai là sư thúc gì cả. Cứ căn cứ vào tuổi hơn kém mà gọi nhau là huynh đệ thì hơn.
Thì ra hai sư huynh đệ họ Vương và họ Cao kia, theo vai vế thì sư phụ của họ phải gọi Mục Nhân Thanh là sư thúc. Họ tuy lớn tuổi, nhưng phải gọi Thừa Chí là sư thúc mới phải. Mục Nhân Thanh lại nói:
- Hai vị sư huynh này thừa lịnh Lý Tự Thành tướng quân ở tỉnh Sơn Tây tới, muốn mời thầy xuống bàn tán một việc quan trọng, vậy ngày mai thầy phải xuống núi.
Thừa Chí nói:
- Thưa sư phụ, lần này sư phụ cho phép con đi theo để thăm Thôi thúc thúc.
Chàng ở trên núi mãi cũng thấy buồn, mấy lần muốn theo sư phụ hạ sơn đều không được phép. Lần này chàng lại xin thì Nhân Thanh mỉm cười. Hai người kia biết thầy trò chàng có chuyện muốn bàn tán liền cáo lui ra bên ngoài.
* * *
Mục Nhân Thanh nói:
- Hiện giờ thân thế nghĩa quân đang bành trướng rất mạn. Hai tỉnh Tân, Tấn sắp vào tay quân ta. Đây cũng là dịp may con báo thù cha. Bấy lâu nay con cứ xin thầy cho phép con đi hành thích vua Sùng Chính, nhưng thầy nhất định không nghe, con có biết tại sao không?
Thừa Chí trả lời:
- Thưa thầy, có phải vì con chưa học thành tài không?
- Điều đó cũng là một nguyên nhân, nhưng còn một điều nữa quan trọng hơn. Con hãy ngồi xuống thầy nói cho con nghe.
Thừa Chí ngoan ngoãn ngồi xuống, Nhân Thanh nói tiếp:
- Mấy năm nay, tình thế ngoài quan ải khẩn trương lắm. Dã tâm của người Mãn Châu không lường, ngày nào cũng muốn xâm lấn vào trong quan ải. Mặc dầu vua Sùng Chính hay đa nghi và thiếu ý chí cương quyết, nhưng còn sáng suốt hơn các vua trước, như vua Gia Tinh, vua Thiên Khải nhiều. Nếu cho phép con vào trong cung hành thích Sùng Chính để trả tư thù sẽ có hại, vì Thái tử còn nhỏ nếu lên nối ngôi, quyền hành thế nào cũng lọt vào tay bọn gian thần quan hoạn. Thầy chỉ sợ chúng sẽ làm mất giang sơn của người Hán mình ngay. Như vậy, có phải con là một người có tội với thiên hạ không? Thân phụ con suốt đời phản kháng quân Mãn, quyết chí thu phục đất Liêu Đông, nay thấy con bất trung bất hiếu như vậy, thì ông ta dù ở thế giới bên kia cũng không được yên tâm chút nào!
Thấy sư phụ nói như vậy, Thừa Chí toát mồ hôi.
Mục Nhân Thanh lại nói:
- Quốc sự là một việc lớn, tư thù là việc nhỏ, dĩ thầy không cho con đi báo thù vì lẽ đó. Nhưng tình hình bây giờ lại khác hẳn. Sấm Vương Lý Tự Thành đã chiếm Tân, Tấn hai tỉnh, và chỉ trong một hai năm là có thể tiến tới Bắc Kinh. Lúc ấy đã có ông ta chủ trì đại cuộc, toàn quốc trên dưới một lòng, thì còn sợ gì Liêu Đông, Mãn Châu vào xâm chiếm nữa.
Càng nghe, Thừa Chí càng thấy phấn khởi. Nhân Thanh lại nói tiếp:
- Võ nghệ của con bây giờ đã có căn cơ. Tuy võ học không có bờ bến, nhưng tài năng của ta đã truyền lại hết cả cho con. Sau này, con chỉ chăm chỉ học tập lấy đủ được rồi, mai thầy xuống núi, con cứ ở lại chờ một tháng sau, con hãy hạ sơn, đến tỉnh Sơn Tây vào trại quân đội Sấm Vương kiếm thầy.
Thấy thầy cho phép xuống núi, Thừa Chí hớn hở vô cùng. Lúc thường Mục Nhân Thanh đã dạy cho chàng biết các điều cấm kỵ và các luật lệ của các môn phái trên chốn giang hồ rồi. Lúc này, ông ta nhắc lại những điều quan trọng cho chàng nghe.
Sau cùng lại dặn rằng:
- Con là người cẩn thận chánh trực, ta yên trí lắm. Nhưng còn chữ “sắc”, con đặc biệt đề phòng. Có rất nhiều đại anh hùng, đại hào kiệt đã sa ngã bởi chữ sắc đó, đến rồi tiêu tan sự nghiệp, trở nên thân tàn ma dại. Con phải nhớ kỹ lời nói đó của thầy.
Ngày hôm sau, trời chưa sáng tỏ, Thừa Chí đã thức dậy giúp chàng Câm đun nước, thổi cơm, xong đâu đấy, mới vào phòng sư phụ thỉnh an. Không ngờ Mục Nhân Thanh và hai người khách lạ kia đã hạ sơn từ lúc nửa đêm rồi. Ngẩn người giây lát, Thừa Chí nghĩ tới việc mình sắp h