qua lại, một hồi thật lâu, nhưng không dám đáp xuống. Bỗng thấy một con chim bay sà xuống, thế nhưng đến cách Trương Vô Kỵ chừng ba thước thì lại chuyển hướng bay vọt lên, thân pháp quay mình thật là đẹp mắt. Y tự nhiên nghĩ thầm: “Cái lối bẻ hướng này, nếu có thể dùng vào trong võ công, khi tập kích đối phương khó mà phòng bị, một lần tấn công không trúng, thì mình đã vọt ra xa rồi, kẻ địch khó mà trả đòn”.
Cuốn Cửu Dương Chân Kinh mà y tập luyện chỉ hoàn toàn liên hệ đến nội công và yếu chỉ võ học, nhưng công kích phòng bị thì một nửa chiêu cũng không nhắc tới. Chính thế mà năm xưa Giác Viễn đại sư luyện thành thần công, khi bị Tiêu Tương Tử và Hà Túc Đạo tấn công chỉ vụng về, luống cuống, không biết cách nào chống trả. Trương Tam Phong cũng nhờ Dương Quá dạy cho bốn chiêu nên mới đối địch được với Doãn Khắc Tây. Trương Vô Kỵ từ bé đã học võ công, căn bản hơn xa Giác Viễn và Trương Tam Phong khi còn trẻ, thế nhưng Tạ Tốn dạy cho y cũng chỉ toàn là yếu quyết của quyền thuật, không có pháp môn nào thực dụng.
Trương Vô Kỵ bây giờ mới biết được cái khổ tâm của nghĩa phụ, ông ta một thân võ công bác đại tinh thâm, nếu như truyền thụ giải thích theo đúng trình tự từng bước từng bước, thì dạy hai chục năm chưa chắc đã hết, nên thấy thời gian gần nhau không bao nhiêu, nên chỉ dạy cho y nhớ những yếu quyết của võ công thượng thừa, sau này sẽ tự mình lãnh ngộ. Còn quyền thuật mà Trương Vô Kỵ học đúng ra, chỉ có ba mươi hai thế Võ Đương trường quyền mà cha y đã dạy cho khi lênh đênh trên chiếc bè. Y biết rằng từ nay ngoài việc liên tục tham tập Cửu Dương thần công, muốn tinh tiến hơn nữa, y phải làm sao dung hợp được nội công thượng thừa với những võ công mà Tạ Tốn truyền thụ cho. Do đó mỗi khi nhìn thấy hoa trên cành rơi xuống đất, cây kỳ lạ vươn lên trời, cả đến động tác của loài chim loài thú, biến hóa của gió của mây, y đều đối chiếu với võ công chiêu số.
Lúc này y nhìn thấy những con kên kên bay vòng vòng lên xuống, biến đổi nhiều tư thế khác nhau, càng nhìn càng xuất thần, bỗng thấy từ xa có tiếng chân người đi trên mặt tuyết, cước bộ nhẹ nhàng, xem chừng là một nữ nhân.
Trương Vô Kỵ quay đầu nhìn lại, thấy một cô gái tay cầm giỏ tre, băng băng đi tới. Cô ta thấy trên mặt tuyết có người chết, chó chết, kêu “Ủa” một tiếng, ngạc nhiên đứng lại xem. Trương Vô Kỵ nhìn kỹ, thấy cô ta tuổi chừng mười bảy, mười tám, áo vải trâm gai, chỉ là một thôn nữ nghèo nàn. Mặt cô ta đen đủi, sưng u từng cục, hình dáng thật là xấu xí, chỉ có đôi mắt có chút linh hoạt, thân hình cũng thon nhỏ thướt tha.
Cô ta tới gần thấy Trương Vô Kỵ giương mắt nhìn, hơi kinh hoảng, hỏi:
- Ngươi … ngươi chưa chết à?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Xem ra chưa chết.
Người hỏi đã không thông, người đáp lại cũng ngộ nghĩnh, hai người nghĩ ra, cùng nhịn không nổi cười ồ lên. Cô gái hỏi:
- Thế ngươi chưa chết, sao lại nằm ỳ ra đây làm gì vậy? Làm ta sợ hết hồn.
Trương Vô Kỵ đáp:
- Tôi từ trên núi rơi xuống, hai đùi gãy cả rồi, chỉ có nước nằm ở đây thôi.
Thiếu nữ kia lại hỏi thêm:
- Thế người này là đồng bạn của ngươi ư? Sao lại có thêm ba con chó chết?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Ba con chó này ác quá, cắn chết vị đại ca này, nhưng chúng nó cũng chết luôn.
Cô gái kia nói:
- Ngươi nằm đây rồi làm sao mà sống? Bụng có đói không?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Dĩ nhiên là đói, nhưng tôi không cử động được, đành nằm đây đến đâu hay đó.
Thiếu nữ mỉm cười, lấy trong giỏ ra hai cái bánh bao đưa cho y. Trương Vô Kỵ nói:
- Đa tạ cô nương.
Y nhận lấy, nhưng chưa ăn. Cô gái hỏi:
- Ngươi sợ bánh của ta có thuốc độc à? Sao chưa ăn?
Trong hơn năm năm qua, Trương Vô Kỵ chỉ đôi lần nói chuyện với Chu Trường Linh vài câu trong hang núi, chẳng có ý vị gì, ngoài ra chưa có cơ duyên nói chuyện với ai nửa lời, bây giờ thấy cô gái này tuy mặt mũi xấu xí, nhưng ăn nói lại có duyên, trong bụng hoan hỉ, liền nói:
- Vì là bánh cô nương cho tôi, nên chưa nỡ ăn.
Câu nói đó có vài phần đùa cợt, y trước nay thực thà, ăn nói chưa bao giờ có giọng lưỡi lém lỉnh, nay trước mặt cô gái này, bỗng thấy cởi mở thoải mái, không hiểu vì đâu buột miệng nói ra. Cô gái kia nghe thế, lập tức nổi giận, hứ một tiếng. Trương Vô Kỵ thấy lòng hối hận, vội vàng cầm bánh ăn, nhưng vì hấp tấp nên nghẹn ở cổ, ho lên sù sụ.
Thiếu nử đổi giận làm vui, nói:
- Đáng kiếp cái đồ ăn tham. Thứ người xấu như ma mà bụng dạ còn không tốt, hèn gì trời chẳng hại. Ai đời người khác không gãy chân, chỉ có nhà ngươi lại gãy cả hai cái đùi chó chết