nh như" với "có lẽ" gì nữa! Hễ ngày nào nó vồn vã với tao thì nó cóc thèm nhìn mày. Còn hôm nào nó quan tâm đến mày thì lại chẳng buồn ngó cái bản mặt đẹp trai của tao...
Tôi "xí" một tiếng nhưng Biền phớt tỉnh, tiếp tục dẫn giải:
- Và những ngày này luôn xen kẽ với nhau. Nếu như tao nhớ không lầm thì hai tư sáu là ngày của tao, còn ngày của mày là ba năm bảy. Mày nhớ lại coi, xem tao nói có đúng không!
Thoạt đầu thấy Biền hăng hái phân tích, tôi cười thầm trong bụng. Tôi nghĩ chắc hồi chiều bị một vố đau nên nó phát rồ, đầu óc tưởng tượng lung tung. Nhưng đến khi nó nói xong và kêu tôi nhớ lại, tôi bỗng rùng mình.
Và càng nhớ tôi càng thấy ớn lạnh như đang lên cơn sốt rét. Quả đúng như Biền nhận xét, trong tuần lẽ sáu ngày, trừ ngày chủ nhật chúng tôi không đi bơi, thì ba ngày chẳn Quỳnh Như "riêng tặng" cho Biền, còn ba ngày lẻ nó lại thân thiện với tôi.
Tất nhiên tôi không ngu đần đến mức không nhận ra sự khác biệt đó. Nhưng tôi vẫn nghĩ Quỳnh Như sở dĩ thỉnh thoảng gần gũi với tôi chẳng qua là để thăm dò phản ứng của Biền. Do đó, tôi chẳng nghĩ ngợi gì sâu xa và cũng chẳng để ý đến quy luật "hai tư sáu - ba năm bảy" Biền vừa khám phá. Bây giờ, khi hình ảnh của những ngày qua lần lượt tái hiện trong đầu tôi như một cuốn phim quay chậm, tôi mới nhận thấy tất cả vẻ kỳ quái của nó.
Tôi hoang mang nhìn Biền:
- Ừ, sao lạ quá hen mày ?
Biền cười khảy:
- Vì vậy tao mới bảo nó thích cả hai. Mỗi ngày nó thích một đứa.
Lần này tôi không bảo Biền "nói ngọng" nữa, mà thẫn thờ hỏi:
- Mày có biết tại sao vậy không?
Biền nhíu mày, vẻ đăm chiêu:
- Chuyện này khó hiểu lắm!
Rồi nó nhìn tôi, giọng ngập ngừng:
- Có thể do đồng hồ sinh học!
- Đồng hồ sinh học?
- Ừ.
- Là cái quái gì ?
Biền tặc lưỡi:
- Tao thấy trong sách nói tinh thần của con người thay đổi theo một chu kỳ nhất định. Đó là đồng hồ sinh học, mỗi người đều có một cái, không ai giống ai. Đồng hồ của con nha đầu này cứ sau hăm bốn giờ vui lại tới hăm bốn giờ buồn. Khi vui, nó đùa cợt với tao, khi buồn nó thủ thỉ với mày!
Lần đầu tiên tôi nghe một chuyện lạ như vậy, nên không khỏi nghi hoặc:
- Thật không mày ?
- Tao đối mày làm gì! Không tin, hôm nào tao đem cuốn sách tới cho mày coi!
Nghe Biền nói chắc như đinh đóng cột, bụng tôi đã bớt ngờ. Nhưng tôi không khỏi thắc mắc:
- Nếu quả như vậy, sao "đồng hồ" của mày lại chạy lung tung thế ?
- Lung tung gì đâu ? - Biền trố mắt.
Tôi đằng hắng:
- Thoạt vui thoạt buồn mà không lung tung? Có khi mày lại cáu lên như một tên táo bón, trông chẳng giống con giáp nào hết!
- Có thể đồng hồ tao chạy sai! - Biền liếm môi.
- Đồng hồ sinh học mà sai ?
- Sai chứ! - Biền gục gặc đầu - Thỉng thoảng nó cũng bị... vô nước giống như đồng hồ đeo tay vậy!
Bị tôi chất vấn, Biền cố làm ra vẻ ung dung nhưng khi buộc phải giải thích, nó không giấu được sự lúng túng. Nghe cái luận điệu "đồng hồ sinh học cũng vô nước" của nó, niềm tin của tôi đã giảm tới chín phần mười.
Dòm sắc diện tôi, Biền biết ngay tôi đang nghĩ gì. Nó hắng giọng định thanh minh gì đó nhưng rồi có lẽ không nghĩ ra được ý tưởng nào đáng giá, nó liền ngậm miệng làm thinh.
Bữa đó, cho đến lúc chia tay, cả tôi lẫn Biền chẳng đứa nào giải thích được tại sao Quỳnh Như lại "cả gan" chơi trò "hai mặt" với chúng tôi như vậy. Và thật ra thì nó có điên hay không.
Suốt đêm hôm đó và cả buổi sáng hôm sau, tôi chỉ "đầu tư" vào mỗi chuyện là nghĩ ngợi xem Quỳnh Như có phải là một người con gái bình thường như những người con gái khác hay không.
Nhưng đúng như Biền nhận xét, tôi bẩm sinh là một đứa chậm chạp, đầu óc tôi như hũ nút. Chuyện đơn giản hơn gấp trăm lần tôi nghĩ còn không xong, huống gì là chuyện phức tạp này. Loay hoay cả buổi, óc chẳng lóe được tí ánh sáng còm nào đã đành, đầu tôi lại nhức như búa bổ, cứ chực nổ tung. Nếu theo cái đà này, tôi chưa kịp phát hiện ra Quỳnh Như có bệnh tâm thần hay không thì người ta đã chở tôi vô nhà thương điên Chợ Quán tự đi kiếp nào rồi.
Nhưng số tôi đúng là số hên. Như ông bà nói, tôi ở hiền nên gặp lành lia lịa. Tôi sắp sửa nhìn chậu sương rồng trước hiên thành con ngựa và chuẩn bị cởi lên nó thì Biền tới.