Bà Lương như hoa mắt bởi những dòng chữ rất lạnh lùng và ngắn gọn:
“Tôi xin trả lại ông bà số tiền ông bà cho hơn một năm qua. Tôi không tiêu đến một đồng nào đâu. Tôi thành thật cám ơn lòng tốt của ông bà. Nhưng dù sao, tôi và ông bà cũng là người dưng.
Xin tạm biệt.
Lam.”
Nước mắt trào ra và rơi không ngừng trên khuôn mặt dày dặn gió sương của bà Lương. Nhìn những đồng tiền mới được gửi trả về, lòng bà như xát muối. Lam đã phụ tấm lòng bà! Và khủng khiếp hơn, Lam sống bằng cách nào trong thời gian đó... Bà đã hại người bà thương yêu nhất rồi...
Ông Thịnh dằn tờ giấy xuống bàn, bực bội:
_ Nó thật là vong ơn... Em không phải khóc như thế...
_ Nhưng nó là con em, anh hiểu không? Đứa con mà em đã mang nặng đẻ đau... nhưng lại bỏ nó mà đi... Em có tội...
Ông Thịnh lắc đầu. Ông thương vợ đến cháy lòng. Cả đời bà đã chật vật khổ sở nay lại đau đớn vì con...
Bà Lương vẫn không thôi nức nở:
_ Nó làm sao mà sống khi không dùng tiền của chúng ta... Và hình như nó biết hết rồi...
Ông Thịnh khẽ kéo đầu vợ vào lòng mình an ủi;
_ Thôi, đừng khóc nữa em... Bây giờ để anh gọi điện hỏi Bình xem nó có biết gì về Lam không? Nó vẫn còn đi học thì không sao đâu. Em phấn chấn lên đi. Đợi anh một chút!
Bà Lương khẽ gật đầu. Bà lật lại những lá thư của mình, lòng không khỏi đau xót. Lam không thèm bóc một lá thư nào. Nó nhất quyết coi bà là người dưng. Sao nó lại lạnh lùng thế? Bà không thể hiểu nổi nó dù chỉ là một chút. Ôi! Bà thèm được vuốt ve mái tóc của nó, thì thầm vào tai nó những lời xin lỗi thật lòng nhất... Đứa con yêu quý của bà, bà sẽ làm tất cả để chuộc lại lỗi lầm xưa kia.
Ông Thịnh nhìn dáng vợ ngồi mà lòng bồn chồn thương cảm. Cái tin mà Bình vừa cung cấp khiến cho ông chần chừ. Vợ ông chắc chắn dẽ bị sốc dữ lắm!
Bà Lương ngước lên, lo lắng hỏi:
_ Sao rồi hả anh? Bình nói thế nào? Lam có sao không? Anh nói đi!
_ Bình tĩnh đi em! - Ông Thịnh cố lấy giọng thật nhẹ – Cũng không có gì lớn lắm. Lam nó không sao đâu... Nó không còn ở Hải Dương nữa, đến Hà Nội rồi.
Bà Lương hấp tấp:
_ Thế anh có biết...
_ Không! - Ông Thịnh lắc đầu – Không một ai biết cả. Thằng Bình cũng rối lắm.
Bà Lương ngồi bất động rồi oà khóc như trẻ con. Vậy là bà mất đứa con gái rồi ư? Nó biến mất trong chốn phồn hoa đô hộ này... Nhỡ như có gì xảy ra? Rồi đời nó cũng như đời bà thì sao? Ôi, lúc đó bà sẽ chết mất!
Ông Thịnh dịu dàng:
_ Lương... Anh tin bé Lam không sao đâu. Nó là một con bé cứng rắn và biết cách sống lắm. Anh sẽ cho người đi tìm nó, được chứ?
_ Vâng, em cám ơn anh.
Hình ảnh bé Lam lầm lũi đi vào chốn bảo bùng khiến con tim bà nổi cơn đau. Bà không thể sống yên nếu con gái bà khổ sở ngoài đời được!
Lam rụt rè bước vào một vũ trường lớn. ở đây chưa ồn ào lắm nên Lam không thấy hết được quy mô của nó. Có một vài người đang lau dọn. Lam lại gần một cô gái, hỏi nhỏ:
_ Chị ơi... cho em hỏi một chút!
Cô gái cởi mở:
_ Em hỏi cái gì?
_ Em muốn tìm chủ vũ trường...
_ à! Bà chủ hả? Em đến xin việc ư? Vậy thì ngồi đây chờ chị đi gọi nhé?
Cô gái bỏ đi cung với nụ cười khích lệ. Một vài cô gái khác cũng nhìn Lam vẻ tò mò, vẻ như thầm đánh giá. Lam ngó xung quanh tỏ vẻ lạ lẫm. Cô khẽ cười thầm trong lòng. Có lẽ ai cũng tưởng là một cô gái quê ra kiếm việc...Và vẻ ngơ ngác của Lam làm hài lòng người chủ đang đứng ở đằng xa. Bà ta lại gần, và tự nhiên ngồi xuống ghế. Lam vội đứng dậy, chào bà ta. Đó là một người phụ nữ ngoài ba mươi, người gầy thon, khuôn mặt xinh đẹp một cách sắc so mặn mà. Đặc biệt Lam ấn tượng nhất là đôi mắt được kẻ chì rất đậm của bà ta. Trông có vẻ rất lạnh lùng, tàn nhẫn.
_ Sao? Cô định xin việc?
Lam nhìn thẳng vào mắt bà ta, thẳng thắn gật đầu:
_ Vâng ạ!
Người đàn bà nhếch môi:
_ Cô khá lắm! Vậy cô muốn làm gì? Người như cô rất lí tưởng đấy!
Lam cười nhẹ:
_ Cám ơn bà đã quá khen! Thực ra trước khi vào đây tôi đã xem qua thông báo. Bà cần một người pha chế rượu, đúng không?
Người đàn bà thoáng sửng sốt. Bà nhìn lại Lam. Cái vẻ ngơ ngác như biến mất, thay vào đó là sự tự tin, bản lĩnh. Lam rắn rỏi: