ích dến đấy, bà Diêu rất khâm phục. Thuyền đi ngược, thuyền đi xuôi, ai cũng chào nhau thật lễ độ.. Ði trên suối, con người như thoát tục, tự nhiên thấy cảm động, mới thấy mình sống ở đời thật bụi bặm.
Ðến bến Ðá, lái đò neo lại ngồi chờ. Hàn Soạn đi trước, bà Diêu và Chiểu đi theo. Xung quanh Thiên Trù chật ních người, khói hương ngào ngạt. Người bán hàng ngồi la liệt. Những hàng cơm và lều trọ dựng sơ sài bằng tre nứa nhưng sạch sẽ. Hàn Soạn dẫn Chiểu và bà Diêu vào chào hòa thượng trụ trì. Hòa thượng béo tốt, hồng hào, lông mày như vẽ, đôi mắt lờ đờ trông như mắt cá, không đoán được đấy là hiền hay ác, kiến thức nông hay sâu. Bà Diêu dâng lễ vật. Chiểu thấy hòa thượng gật đầu, thâu lễ vật rất thạo và nhanh, bèn nghĩ bụng: "Việc chắc thành". Ngồi một lát, nói dăm câu chuyện bâng quơ, thấy ni cô Huệ Liên bước ra chào, Chiểu liếc mắt, ngẫm lời Hàn Soạn nói quả không sai, bụng mừng lắm.
Cúng vái xong, Chiểu kêu đau bụng. Bà Diêu là người thật thà, không biết đấy là mưu của Hàn Soạn, cứ cuống quýt lên, Chiểu và Hàn Soạn dỗ mãi, bà Diêu mới để đồ đạc lại rồi vào chùa Trong một mình, vừa đi vừa áy náy không yên.
Chiểu ở lại, cứ y kế Hàn Soạn mà làm. Thương thay cho ni cô Huệ Liên, muốn đi tu để quên sự đời mà không trót được.
Huệ Liên tên thật là Ðỗ Thị Ninh, về làm vợ ba của Chiểu thì một năm sau sinh con trai đặt tên là Phạm Ngọc Phong.
Phạm Ngọc Phong được mười sáu tuổi thì mất cả cha lẫn mẹ. Hôm ấy là ngày tiệc làng 11 tháng Tư. Chiểu ra đình lễ, về nhà thấy người ngây ngất mới vào buồng nằm. Buổi chiều thấy gây gấy sốt, ăn có nữa bát cơm rồi bỏ mứa. Bà Diêu sai cô Ninh đi hái lá hương nhu, lá bưởi, lá tre về nấu nước xông. Chiểu không nghe. Sẵn nước nóng, cô Ninh mang đi tắm. Nữa đêm, thấy vợ ba thơm tho, Chiểu nổi máu phong tình. Sau cuộc mây mưa, người Chiểu cứ lịm đi, đến sáng thì mất. Cô Ninh sợ quá, khóc ầm lên. Bà Diêu giận lắm, mắng rằng: "Ðồ con đĩ. Tu không trót. Bây giờ lại giết chồng". Cô Ninh tủi phận, nghĩ mình bị lừa về làm vợ ba chẳng khác con ở, làm đủ việc nhà, ngủ với chồng cũng phải giấu giếm, bây giờ mang tiếng oan giết chồng, thế là đi tắt qua đê ra sông tự vẫn. ™ nhà đang nhập quan Chiểu thì đám chài ở sông vào báo vớt được xác cô ba. Bà Diêu đập đầu xuống đất than rằng: "Con dâm phụ thật là tiền oan nghiệp chướng". Hai đám tang một lúc, áo quan chàng đi trước, áo quan nàng theo sau. Chuyện này ầm ĩ cả vùng, ba chục năm sau người ta còn kể. Cánh hương lý trong làng thấy cơ hội làm tiền được, đòi khám nghiệm tử thi, coi cô Ninh chết do bức tử. Bà Diêu phải lo lót, bán đi năm mẫu ruộng mới yên chuyện.
Sau lần ấy, bà Diêu ốm nặng, thành người lẫn lộn, dở khôn dở dại.
Phong lớn lên, học chữ quốc ngữ. Tính nết Phong lông bông, ương ngạnh. Phong được ăn tự cả cơ ngơi hơn chục mẫu ruộng nhưng không thiết, tất cả giao cho chị gái quản lý. Chị Phong tên là Cẩm, con bà hai, ở vậy không lấy chồng, tính nết nhu mì, hiền thục.
Phong ra Hà Nội học, thỉnh thoảng mới về nhà. Một hôm, Phong dẫn về một người đàn bà hơn Phong đến chục tuổi, người cao lớn, đen đúa, răng vàng, bụng chửa khệ nệ. Phong bảo bà Cẩm: "Ðây là cô Lan, sinh viên trường thuốc, cháu của ông Tân Dân làm báo ngoài Hà Nội. Chúng em ăn ở với nhau được một năm rồi". Bà Cẩm tái mặt, ngồi im không biết nói sao. Cô Lan cúi đầu, mặt đỏ như gấc, tay mân mê tà áo may bằng thứ vải lụa Bom-bay, cổ khoét rộng, lộ một chuỗi dây chuyền bằng vàng. Bà Cẩm hỏi: "Thế cậu mợ tính sao?". Phong bảo: "Cô Lan ở nhà. Em ra Hà Nội hùn vốn làm báo". Bà Cẩm bảo: "Cậu ơi, nhà ta xưa nay làm ruộng, mổ thịt lợn. Tôi nghiệm những người bỏ quê ra ngoài múa may đều không ra gì. Cái chí của cậu, tôi là đàn bà không biết nói sao, chỉ khuyên cậu nên chừng mực thôi". Phong thọc hai tay vào túi áo vét, mỉm cười: "Merci". Bà Cẩm ngơ ra không hiểu em trai nói gì. Ðến bữa, cô Lan xơi có nữa bát cơm, ngồi gẩy gẩy từng hạt một. Có món canh khế nấu thịt nạc rất ngon, bà Cẩm chan vào bát ép ăn. Phong giãy nảy: "Chết, nhà em kiêng ăn hành". Bà Cẩm đỏ bừng mặt. Cơm xong, Phong phải ra chợ Kẻ Noi mua hai chiếc bánh dày cặp chả cho vợ ăn.
Cô Lan ở nhà một tuần đầu không ra khỏi buồng, chỉ toàn nằm đọc sách. Bà Cẩm sợ Phong, cứ nín nhịn không nói năng gì. Một hôm cô Lan hỏi bà Cẩm: "Nhà ta có bao nhiêu ruộng?". Bà Cẩm bảo: "Hơn chục mẫu. Cậu Phong bán đi tám mẫu mang tiền ra Hà Nội làm ăn. Nhà bây giờ còn ba mẫu. Lại còn một phản thịt lợn ở chợ Kẻ Noi". Cô Lan hỏi: "Phản thịt ai trông?". Bà Cẩm bảo: "Tôi thuê ông Bỉnh là người trong họ. Vốn mình bỏ ra, còn lãi chia