Tôi vẫn nằm yên trên giường, cố gỡ gạc nghỉ thêm được giây phút nào hay giây phút đó. Mấy người sinh viên ngoại trú đàn em vẫn thường gọi các đàn anh nội trú bằng cái danh từ vừa kính trọng vừa diễu cợt đó.
-Anh trả lời điện thoại hộ tôi đi.
-Nhưng phòng nhận bệnh muốn nói chuyện thẳng với anh.
Tôi uể oải trở dậy, đi ra phía chỗ cái điện thoại. Y tá trực nhiều khi có bệnh nặng muốn nói chuyện thẳng với nội trú để tiết kiệm thì giờ cấp cứu vì biết rõ khả năng của những sinh viên y khoa trên ngực hãy còn sáng long lanh những vì sao. Tôi hỏi người đàn em:
-Mấy giờ sáng rồi? Giờ này mà vào thêm một cas nặng nữa thì hốc hác.
Một ngày gác lao động bở hơi tai từ sáng đến giờ, chưa được nghỉ bồi dưỡng.
-A lô, nội trú trực tôi nghe đây.
-Chào ông thày, ngủ được chút nào chưa?
-Làm sao mà nhắm mắt ngủ yên được với những người còn đầy nhựa sống như mấy cô, mới lim dim nhắm mắt nghỉ được một tí lại bị dựng cổ lôi dậy làm bổn phận….
Có tiếng cười đầm ấm ở bên kia đầu máy.
-Cho ông thầy đêm nay bò lê bò càng luôn!
Trong giới y khoa, nữ hộ sinh ăn nói bạo mồm bạo miệng không thua gì sinh viên y khoa.
-…cặp với cô xui tận mạng…
Đáng lẽ nói “gác cặp với cô…” tôi nuốt chửng chữ “gác” để chọc người nữ hộ sinh.
-Cứ làm như người ta ca bài “Hạ Trắng” không bằng.
-Không xui, sao từ sáng đến giờ ba cas mổ rồi. Có bệnh nặng mới vào phải không?
-Retention de la tête!
-Thật không? Bảo sanh Vuông Tròn gửi vào hả?
-Chứ còn ai nữa!
Tôi hậm hực:
-Cô cho vào phòng mổ đi. Sửa soạn xong báo cho tôi rõ.
Tôi ném ống điện thoại xuống giá đỡ. Cái nhà bảo sanh Vuông Tròn đã được chúng tôi đổi tên thành nhà bảo sanh Tam Giác. Tôi nghe nhiều lời đồn đãi về cái nhà bảo sanh đó. Người bác sĩ điều hành cái trung tâm y tế đó gạt khách ra không hết, bãi đậu xe lúc nào cũng tấp nập như một cái bến xe đò, đầy những xích lô đạp, xích lô máy, xe lam, xe Daihatsu…. Hệ thống làm ăn thật thần sầu… Saigon bây giờ giới nghiêm, tất cả những bà bầu xách đèn đi đẻ đều bị giới công lực “hốt” đem về quăng vào đó cả. Họ có đường giây móc nối với công quyền, một số nhân viên, nội trú đang làm ở đây, cũng là tay chân của họ cả. Người ta cũng kể lại rằng có một tên đạo chích đực rựa sau khi ăn hàng xong, giấu đồ cuỗm vào bụng, giả dạng thành một bà bầu xách đèn đi về sào huyệt đẻ. Trên đường về bị nhân viên công lực hốt bắt phải vào nhà bảo sanh Vuông Tròn để đẻ cho được mẹ tròn con vuông.
-Có chuyện gì đấy anh?
Tôi giật mình, nhận ra người đàn em vừa hỏi.
-Hai anh tìm ăn cái gì cầm hơi, một người xuống phụ mổ, còn một người lo chạy vòng ngoài.
-Sao lại phải mổ vậy anh?
-Thằng nhỏ bị kẹt cái đầu.
-…..?
-Nó nghịch dại, thích ngược đời.
-Đẻ ngược hả anh?
-Ừ , đẻ ngược, chỉ ra được hai chân, cái mình, hai vai, còn cái đầu bị kẹt lại.
-Còn sống không anh?
Tôi nhìn vào mắt người đàn em:
-Anh thử đút đầu vào một cái túi kín xem có thể sống được bao lâu. Nó chết tốt, cũng là một diễm phúc rồi. Chỉ cần năm phút thiếu dưỡng khí là óc nó hỏng rồi. Nếu vô phúc nó sống còn nhờ người ta lôi cổ nó ra được, lớn lên, nó sẽ là một gánh nặng của xã hội loài người. Một bất hạnh cho loài người, có thể nó trở thành một thứ cây cỏ mang hình người đáng thương, hoặc nó sẽ trở thành những tên đầu trâu mặt ngựa, những bạo vương, những đỉnh cao trí tuệ loài người…
Uống xong ly sữa, tôi gọi điện thoại cho người nữ bác sĩ trực đêm nay. Giọng ngái ngủ của người y sĩ bảo tôi toàn quyền quyết định. Tôi cố né tránh vì biết đã ngoài tầm tay mình.
Tôi và người đàn em xuống phòng mổ soạn mổ.
Người sản phụ xanh bệch, môi khô, răng hở, mắt lõm sâu. Thở dốc. Người đàn bà nằm bất động, hai chân cố gắng dang ra thật rộng dường như sợ kẹp phải đứa con sẽ làm nó chết ngộp. Dĩ nhiên đứa trẻ đã chết ngộp từ lâu rồi. Thằng bé mũm mĩm, to con, khoảng hơn bốn ký lô. Hai cổ chân, đùi, cổ bầm tím, người ta đã cố kéo nó ra đời, nhưng nó đã từ chối chui ra nhìn đời. Nó xấu hổ nhìn đám người ngợm đang múa may quay cuồng ngoài đời này chăng? Nó như một đứa trẻ nghịch dại chui đầu vào một cái chum rồi bị mắc kẹt đầu trong đó. Dù sao thì n