đôi". Cô Lan bảo: "Từ mai tôi trông coi phản thịt". Hôm sau ra chợ xem xét, bụng mang dạ chửa nhưng cắt đắt việc đâu vào đấy, tiền nong rạch ròi, bà Cẩm với ông Bỉnh hãi lắm. Ông Bỉnh không dám ăn bớt một xu.
Bà Diêu ngày càng yếu, lẫn lộn, cứ quanh quẫn trong buồng, ỉa đái ngay chỗ nằm. Phong bảo: "Sao con mẹ này sống dai thế?". Cô Lan bảo: "Cho liều thuốc chuột là yên". Phong bảo: "Không cần, cứ để đói vài ngày". Nói xong quay ra bảo bà Cẩm: "Từ hôm nay đừng cho mẹ Cả ăn nữa, tám mươi hai tuổi rồi, sống làm quái gì?". Bà Cẩm sợ hãi: "Cậu ơi, cậu nghĩ lại đi, phải để phúc đức cho con cháu chứ?". Phong trừng mắt, bảo: "Con ác tặc này nó giết mẹ tôi chị có biết không?". Bà Cẩm cứ kêu khổ. Phong khóa cửa lại rồi cất chìa khóa vào túi áo vét.
Bà Diêu bị nhốt trong buồng, đói khát lắm, bốc cả phân ăn. Mỗi ngày một lần, Phong mở cửa khóa xem đã chết chưa. Ðến hơn nữa tháng, bà Diêu vẫn sống nhăn răng. Phong phát hoảng, bảo vợ: "Con mẹ này là phù thủy chắc? Hay nó luyện được thuốc trường sinh?". Cô Lan đến xem, thấy có một hạt cơm rơi ở dưới chân giường, cười nhạt bảo rằng: "Mẹ Cả anh còn sống lâu lắm. Khéo nó còn sống để chôn anh với tôi cơ đấy". Lại hỏi Phong: "Chìa khóa để đâu?". Phong chỉ vào áo vét treo ở tường. Cô Lan bảo: "Thảo nào. Anh đưa đây để tôi phá phép của con phù thủy này cho". Nói rồi cầm chìa khóa cho vào cái ví xách tay.
Khoảng nữa đêm, cô Lan bấu Phong dậy. Cái áo vét Phong treo ở sập gụ gian ngoài. Dưới bóng trăng mờ mờ, thấy một bóng đen đang lần sờ túi áo. Cô Lan cầm tay thước gỗ lim quật thẳng vào đầu bóng đen, chỉ nghe "ối" một tiếng rồi ngã vật xuống. Phong thắp đèn lên thấy bà Cẩm máu me đầm đìa trên trán. Cô Lan bảo: "Khổ quá, tôi cứ tưởng trộm". Phong gắt bà Cẩm: "Chị lần ra đây làm gì?". Bà Cẩm rên hừ hừ, mặt úp vào bát cơm nguội đầy máu trên sập gụ.
Ba ngày sau, bà Diêu mất. Phong làm ma tử tế, đặt tên hiệu là Ðoan Thuận. Còn bà Cẩm, vai trò quản lý lu mờ đi. Cô Lan đứng ra điều hành toàn bộ công việc. Ðứa con gái cô Lan đẻ đặt tên là Huệ. Cô Lan thuê một người vú để trông nom nó. Con bé lớn lên, kháu khỉnh, nhưng mẹ nó không thích nó. Việc nuôi dạy nó được giao hoàn toàn cho người vú và bà Cẩm.
Ông Tân Dân tên thật là Nguyễn Anh Thường. Trong làng báo, làng văn, ông khá nổi tiếng. Người ta cũng có trách ông là hay la liếm, ăn tham như mõ, nhưng việc đó không can hệ gì. Ông Tân Dân bảo Phong: "Văn chương phải bất chấp hết. Ngập trong bùn, sục tung lên, thoát thành bướm và hoa, đấy là chí thánh". Phong chỉ gật đầu. Ông Tân Dân và Phong hùn vốn làm ăn, nói là làm báo, nhưng thực chỉ buôn giấy.
Một hôm, ông Tân Dân bảo Phong: "Tôi vừa xin được giấy phép buôn muối. Chú ra tay đi. Chú xuống Phát Diệm, ở đấy có cha Tất là người tôi quen. Việc lấy hàng cha Tất lo. Ta lên miền núi bán. Tôi đi Sơn La, tìm lão tri châu Cầm Vĩnh An bàn bạc". Phong gật đầu.
Phong đến Phát Diệm, tìm đến nhà thờ đá. Ðấy là một khu đất rộng đến vài ba mẫu gồm cả một hệ thống vừa công viên, vừa lăng tẩm, vừa nhà thờ, vừa trường dòng, xây cất rất công phu. Phía trước có một hồ bán nguyệt rộng, nước trong văn vắt, nhìn rõ cả những con cá bơi lội tung tăng. Lại có cả những núi đá giả đặt tượng Ðức Mẹ và Chúa Giêsu trắng toát. Phong đứng nhìn, lòng rất thán phục, bèn ngh thầm: "Mẹ khỉ, cả nước mình có lẽ chỉ có công trình này được gọi là công trình kiến trúc của muôn đời. Ðạo Thiên Chúa là thứ đạo gì ghê gớm vậy?"
Quanh quẫn một lúc, thấy có người bõ già đi ra dẫn Phong đi vào. Cha Tất còn trẻ, trắng trẻo, trán cao, có đôi mắt rất hóm. Ðọc xong thư của ông Tân Dân, cha Tất mời Phong ngồi, đoạn vẫy tay ra phía đằng sau. Có một thiếu niên mặc áo chùng đen bưng trà ra mời. Lại thấy hai thiếu niên cũng mặc áo chùng đen đứng sau lưng hầu quạt. Phong uống nước, thấy trà thơm lừng. Phong hỏi: "Thưa cha, việc chúng con nhờ cậy liệu có thành không?" Cha Tất nhỏ nhẹ: "Kinh Thánh nói:'Có ai trong anh em, khi con mình xin bánh lại cho nó hòn đá không?'. Con cứ yên tâm, cứ ở đây nghỉ rồi đâu vào đấy". Phong xin phép ra ngoài nhà trọ, Cha Tất bằng lòng.
Phong nằm trên gác nhà trọ, trời mưa tí tách. Kè kè một túi tiền nên Phong không dám đi đâu. Chủ quán trọ suốt ngày cứ ngồi ủ rũ trước hiên nhà trông ra ngoài đường. Phong buồn quá, hết đứng lại ngồi, giở đi giở lại cuốn truyện Trê Cóc in trên giấy bản, đọc đi đọc lại. Phong không biết nhà này có bao nhiêu người mà chẳng có ai đi ra đi vào gì cả. Một hôm, Phong đánh liều hỏi chủ quán: " đây có con điếm nào xinh không?". Chủ quán gật đầu. Phong bảo: "Gọi cho tôi một đứa". Chủ quán hỏi: "Ông thích l