cũng là một đứa trẻ ngỗ nghịch, ngược đời, nó đã không chịu cúi đầu, khom lưng ra cái khe đời. Nó chổng mông, nó đưa cái giống vào mặt đời. Nó tè, nó ị vào mặt người đời, vào mặt cuộc đời. Lỗi tại nó? Hay lỗi tại người phụ giúp nó vào đời? Người ta đã ước tính sai lầm về tầm vóc, kích thước và tính nết nó chăng? Tầm vóc lớn nên đầu nó to, cũng có thể đầu nó to vì có bướu, vì có nước… To đầu mà dại. Dù sao thì người ta đã ước tính lầm vì ngu dốt, vì vô trách nhiệm, vì lười biếng. Chuyện gì thì đứa bé cũng chết rồi, mọi chuyện bây giờ là lo cho sinh mạng của người mẹ.
-Ông thầy…. ông cố lôi thử ra xem sao, may ra…
Người nữ hộ sinh phòng mổ vừa có kinh nghiệm vừa lười nên đề nghị như vậy. Có nhiều trường hợp cổ dạ con như khúc cuộn của con trăn, khi người ta cố lôi đầu đứa trẻ ra, giống như con mồi vùng vẫy, khúc cuộn càng siết chặt lại, để yên nghỉ một thời gian sau, cổ dạ con không còn bị kích thích nữa sẽ dãn ra, nên nhiều khi lại lôi được đầu đứa trẻ ra một cách dễ dàng. Nếu lôi ra được thì tránh được một vụ mổ.
Trước khi làm theo lời đề nghị của người nữ hộ sinh, tôi khám bụng con bệnh. Chút nữa thì bị xúi dại, tôi lắc đầu:
-Không hy vọng gì nữa rồi.
-Rupture hả ông thầy?
-Có thể dạ con bị vỡ rồi.
Tôi viết lệnh cấp cứu, sửa soạn sẵn mọi thứ. Khi người y sĩ trực tới mọi chuyện đã sẵn sàng.
-Sao, anh đã kéo thử chưa?
-Tôi không dám làm.
-Anh tính sao?
-Bóp nát đầu nó, lôi ra…
-Ghê quá anh, anh làm nghe?
Tôi giả lơ:
-Người mẹ kiệt sức rồi, không thể chịu đựng thêm nữa, đã tới chân tường rồi.
Người nữ y sĩ như không nghe thấy những điều tôi nói, cố đem hết sức liễu yếu đào tơ nắm cổ thằng bé lôi ra. Cái cổ dãn dài như cổ vịt, mấy đốt xương sống cổ tách ra nổi thành những đường hằn, đường lõm chạy ngang cổ. Cái đầu vẫn kẹt cứng. Không chuyển dịch. Người mẹ rên thều thào.
Người y sĩ thở hổn hễn nhìn tôi:
-Tính sao anh?
Tôi không trả lời thẳng câu hỏi:
-Chị là tướng lâm trận. Phải lựa một đường sống.
-Thôi mổ, anh.
-Mổ? Làm sao chị lôi ngược lên bụng hai cái vai vạm vỡ như thế kia qua cái khe hẹp…
Chần chờ. Người y sĩ đưa mắt nhìn mọi người thăm dò.
-Vả lại tôi nghi cái dạ con bị nứt rồi.
-Hay là cắt cổ nó rồi moi cái đầu ra.
Tôi muốn tháo găng cởi áo bỏ đi, nhưng cố nén lại làm như thế sẽ bị chửi là bất nhã với đàn anh, đàn chị, sẽ bị thầy giáo ghi sổ đen.
Người y tá hứng cái thau ở dưới thân đứa bé.
Hai nhát kéo cắt ngọt ngào, cái cổ như một cành cây gẫy răng rắc, thân đứa bé rơi gọn vào trong lòng cái thau. Cái đầu rơi lăn vào trong dạ con tìm một chỗ trũng. Người mẹ thở hắt ra, rên siết. Sảng khoái. Người nữ bác sĩ thò tay vào trong dạ con cố gắng lăn cái sọ như trái dừa khô ra ngoài. Lúc trước cái đầu còn dính vào cổ kéo còn không ra được huống chi bây giờ lăn lóc như một trái banh trơn trợt.
Loay hoay mãi không kéo được cái đầu ra, người nữ y sĩ vã mồ hôi trán, cầu cứu:
-Anh lôi thử.
Tôi thò cả cánh tay vào trong cái túi đựng con, thay vì tìm đầu thằng bé để vần ra, tôi đưa mấy ngón tay kiểm soát cái túi:
-Không nên cố nữa chị. Cái túi đã nứt rồi.
Người y sĩ tìm được lối thoát ra lệnh cầm dao kéo. Một vụ mổ thật chán nản. Mổ bụng người mẹ để lấy ra một cái đầu! Khi mổ bụng ra, quả thật cái dạ con đã bị bầm dập, nứt ở một góc. Chiếc đầu đứa trẻ mặt to tai lớn, sưng tím bầm. Cái lưỡi tím đen thè ra, mang nét mặt của một người bị siết cổ, bị treo cổ.
Sau hơn hai tiếng đồng hồ giải phẫu cắt bỏ cái dạ con bị rách, người y sĩ để tụi tôi đóng bụng lại, về trước. Chán nản, mệt mỏi cùng cực, tôi rời phòng mổ trở về phòng để người đàn em chăm sóc đứa bé:
-Anh chịu khó khâu cái đầu chú bé vào thân nó trước khi đem xuống nhà xác.
-Chi vậy anh?
-Tôi không muốn nó thành ma không đầu! Quê hương mình nhiều ma không nguyên vẹn hình hài quá rồi. Vả lại đó là bổn phận của tụi mình. Mình đã học và sống trên thân xác người chết và người sống.
Tôi mang máng nhận thấy giọng mình hơi mất bình tĩnh.
Về phòng, ngả người xuống, tôi ngủ thiếp đi được một lúc. Một mùi hôi tanh nồng nặc đánh