biết nàng không trở lại nữa, bàn đem cả thị tỳ cùng về. Tuy giây lát không quên được Tiểu Thu nhưng may mà đối diện với vợ mới cũng như trông thấy người xưa. Mới chợt hiểu rằng cái duyên với cô gái họ Chung, Tiểu Thu đã dự biết, nên thay đổi dáng mặt của nàng trước, để khuây khoả nỗi nhớ của chàng ngày sau.
Truyện 16: Thanh Phượng
Họ Cảnh ở Thái Nguyên, vốn trước là thế gia, cửa nhà rộng rãi bề thế. Về sau sa sút, lầu viên san sát bỏ hoang đến quá nửa. Nhân đó, sinh ra nhiều điều quái dị. Cửa vào nhà lớn cứ tự dưng mở đóng, thường khi giữa đêm hôm, người nhà hốt hoảng xôn xao. Cảnh đâm lo, phải dời đến một cơ ngơi khác ở, chỉ để một ông lão ở lại canh cửa mà thôi.
Từ đấy, cảnh hoang tàn đổ nát càng tệ hơn. Có người còn nghe cả tiếng nói cười đàn hát trong đó nữa.
Cảnh có người cháu ruột tên là Khứ Bệnh, tính cuồng phóng, không gì câu thúc nổi, dặn ông lão hễ nghe thấy gì lạ chạy đi báo cho mình ngay. Ðêm đó, thấy trên lầu có ánh đèn lúc sáng lúc tắt, ông lão vội đến báo với chàng.
Chàng muốn vào tận nơi xem cho biết sự lạ, ai ngăn cũng không được.
Cửa ngõ trong nhà vốn đã thuộc hết, chàng bàn rẽ cỏ rậm, lần đường quanh co đi vào. Trèo lên lầu rồi, vẫn chưa thấy có gì khác lạ. Băng qua lầu đi quá vào trong nữa, thì nghe có tiếng người nói chuyện rì rầm. Lén nhòm xem, thấy hai ngọn đèn lớn thắp song song, sáng trưng như ban ngày. Một ông già khăn áo nhà nho, ngồi quay mặt hướng Nam; đối diện là một bà già, cả hai đều khoảng ngoài bốn mươi tuổi. Ngoảnh Về hướng Ðông là một chàng trai tuổi chừng hai mươi; bên phía tay mặt lại là một cô gái, tuổi mới cập kê. Ai nấy đang cùng ngồi vây quanh một bàn đầy rượu thịt, vui cười trò chuyện.
Chàng đột ngột bước vào, cười, nói to lên rằng:
- Có một người khách không mời mà đến đây!
Cả đám cùng kinh hoảng chạy trốn, riêng ông già bước ra, quát hỏi:
- Ai mà lại dám xông vào buồng riêng nhà người ta thế?
Chàng đáp:
- Ðây là buồng nhà tôi, ông chiếm lấy. Có rượu ngon tự mình uống với nhau, không mời qua chủ nhà một câu, chẳng phải là bủn xỉn lắm sao?
Ông già ngắm kỹ một lượt rồi nói:
- Không phải là chủ nhân mà.
Chàng nói:
- Tôi là đồ ngông, tên là Cảnh Khứ Bệnh, cháu ruột của chủ nhân đây.
Ông già vội kính cẩn đáp:
- Lâu nay vẫn ngưỡng mộ danh tiếng Thái Sơn, Bắc Ðẩu!
Bèn đưa tay vái, mời chàng vào. Rồi gọi người nhà thay mâm cỗ.
- Chúng ta hai nhà như một, khách khứa cùng ngồi với nhau cần gì phải lánh mặt, xin mời cả ra cùng uống cho vui. Ông già gọi 'Hiếu Nhi' , giây lát chàng trai từ ngoài bước vào. Ông nói:
- Ðây là thằng con tôi.
Vái chào rồi ngồi xuống. Hỏi thăm qua về gia thế, ông già tự nói mình tên là Nghĩa Quân, họ Hồ.
Chàng vốn tính hào hoa, nói năng bàn luận như gió. Hiếu Nhi cũng là người phóng khoáng, chuyện trò qua lại, đã thấy mến nhau ngay. Chàng hai mươi mốt tuổi, hơn Hiếu Nhi hai tuổi, bàn gọi cậu ta là em. Ông già bảo:
- Nghe nói cụ tổ ngài khi xưa có sọan cuốn 'Ðồ Sơn ngoại truyện' ngài có biết chăng?
Chàng đáp:
- Thưa có biết.
Ông già nói tiếp:
- Chúng tôi là giòng dõi họ Ðồ Sơn đây. Từ đời Ðường trở về sau, gia phả còn nhớ được, còn từ Ngũ Ðại trở về trước thì thất truyền. Dám xin công tử làm ơn chỉ giáo cho.
Chàng kể qua công trạng của cô gái họ Ðồ giúp vua Vũ thuở xưa, thêm thật nhiều lời, lưu loát trôi chảy.
Ông lão cả mừng, bảo con trai rằng:
- Hôm này may mắn được nghe những điều chưa từng được nghe bao giờ. Công tử đây cũng chẳng phải ai xa lạ, hãy vào mời mẹ và Thanh Phượng ra cùng nghe, để cho biết công đức của tổ tiên mình một thể.
Hiếu Nhi bước vào sau bức màn. Chốc lát, bà cụ cùng cô gái bước ra. Nhìn kỹ, thấy dáng liễu yêu kiều, làn thu ba lóng lánh, trên đời dễ không ai đẹp bằng. Ông già trỏ vào bà cụ nói:
- Ðây là bà lão nhà tôi.
Lại trỏ sang cô gái nói tiếp:
- Còn đây là Thanh Phượng, cháu gọi tôi bằng chú. Cũng có phần sáng dạ, hễ nghe được điều gì nhớ không quên. Cho nên gọi ra cho nghe cùng.
Chàng nói chuyện xong bàn uống rượu, nhìn cô gái trân trân không chớp mắt. Cô gái biết , bèn cúi đầu xuống. Chàng ngầm đặt chân lên mũi giầy của nàng. Nàng vội thu chân lại, nhưng cũng không có ý giận dữ. Bấy giờ tâm thần, chí của chàng đều bay bổng, không th