Ðồ Ngoạn mắt toét, đỗ tú tài năm Mậu Thìn (1868) là người thật thà, nhà nghèo lắm. Thấy ông Gia đội xôi thịt đến, Ðồ Ngoạn giật mình, chạy ra vái hai vái. Ông Gia đặt mâm xôi thịt xuống chân, bảo: "Không dám. Tôi sang rước thày về dạy chữ cho thằng Chiểu đây". Ðồ Ngoạn rước khách vào nhà, mời ngồi, vái lấy vái để: "Không giấu gì bác, tôi thiển học lắm. Tôi gõ đầu trẻ cũng là trò bịt mắt thiên hạ kiếm gạo. Thực ra nhà tôi là nhà nhốt trẻ để chúng đừng lêu lổng, ngã xuống ao, bắt ve sầu, khỏi chó cắn thôi. Bác rước tôi về, sợ thất chí của bác". Ông Gia vừa bực mình, vừa buồn cười, bảo: "Ông nói thế, tôi cũng không ép. Thân phụ tôi mất đi chỉ dặn làm sao cho con cháu học thành tài, cướp cái cờ tiến sĩ về dựng ở sân từ đường". Ðồ Ngoạn rùng mình: "Bác ơi, chữ nghĩa nó ghê gớm lắm. Nó là ma đấy. Yếu bóng vía là nó ám mình, nó làm đau đớn thê thảm mới thôi". Lại ngồi thừ người không nói năng gì. Vợ Ðồ Ngoạn mặc váy đụp, ra lạy ông Gia hai lạy rồi bảo chồng: "Lũ trẻ đói quá, ông xin phép bác Cả đây ra châm Mả Phường rỡ ít khoai lang, lấy rễ về luộc cho chúng ăn". Ông Gia hỏi: "Khoai trồng bao giờ mà thím đã rỡ?". Vợ Ðồ Ngoạn bảo: "Em trồng cuối tháng Hai". Ông Gia nhẩm tính: "Mới được năm mươi ngày, ăn thế nào được mà ăn?" Vợ Ðồ Ngoạn bảo: "Nhà em hết gạo tám ngày rồi". Ông Gia thở dài: "Thím bỏ xôi thịt ra cho các cháu ăn. Dọn mâm ra cho tôi với ông đồ uống rượu". Nói rồi rút trong cạp quần ra cút rượu ngâm tắc kè.
Vợ Ðồ Ngoạn bưng xôi thịt xuống bếp, dọn hai mâm. Ông Gia và Ðồ Ngoạn ngồi trong nhà uống rượu. Ngoài sân, tám đứa con của Ðồ Ngoạn ngồi xúm xít xung quanh mẹ, chờ chia phần.
Ðồ Ngoạn bảo: "Tôi nghe ở Kẻ Lũ có ông Bình Chi, trước là tri phủ Sơn Nam, bị cách chức, về ngồi dạy học, ông này kiến thức uyên thâm mà cốt cách thanh cao lắm. Học được ông Bình Chi thì cờ tiến sĩ về tay họ Phạm là cái chắc". Ông Gia gật đầu. Ăn uống xong, xách cái mâm đồng về, bụng bảo dạ: "Phải đi Kẻ Lũ".
t bữa sau, chọn được ngày tốt, ông Gia dẫn Chiểu tìm đường sang Kẻ Lũ đến nhà ông Bình Chi. Nhà ông Bình Chi ven sông Tô Lịch, cơ ngơi cũng khá. Khi ông Gia đến, ông Bình Chi đang ngồi bình văn với đám học trò. Có khoảng chục đứa con trai ngồi xếp bằng tròn trên chiếu, đều trạc tuổi mười sáu, đứa nào trông cũng thông minh, nhanh nhẹn. Trước mặt mỗi đứa có một quyển văn đóng bằng giấy dó, lại có nghiên mực để ngay bên cạnh.
Ông Bình Chi cho học trò nghỉ, ra sân chơi. Chiểu thích lắm, đứng dựa cột xem. Ông Bình Chi rước ông Gia vào nhà, hỏi nguyện vọng. Ông Gia tự giới thiệu, một diều bẩm, hai điều bẩm, cung kính lắm. Ông Bình Chi hỏi mục đích học hành của Chiểu. Ông Gia chẳng biết trả lời ra sao, chỉ nói: "Tôi thấy văn chương có cái gì từa tựa lẽ phải. Muốn cho cháu học thầy vì thế". Ông Bình Chi bảo: "Văn chương có nhiều thứ lắm. Có thức văn chương hành nghề kiếm sống. Có thứ văn chương sửa mình. Có thứ văn chương trốn đời, trốn việc. Lại có thứ văn chương làm loạn". Ông Gia bảo: "Tôi hiểu rồi. Tôi là nghề đồ tể, tôi biết. Cũng như có thịt mông, thịt thủ, thịt sấn, thịt dọi, Nhưng cũng là thịt cả thôi". Ông Bình Chi bảo: "Ðúng đấy. Thế ông định cho cháu học thứ văn chương nào?". Ông Gia bảo: "Tôi suy rằng thịt dọi là thứ vừa phải, nhiều người mua, chẳng bao giờ ế. Vậy có thứ văn chương nào tương tự như thế không, chỉ vừa phải, nhiều người theo thì cho cháu học". Ông Bình Chi bảo: "Tôi hiểu rồi. Ðấy là thứ văn chương học để làm quan". Ông Gia vỗ tay reo: "Phải". Nói xong, gọi Chiểu vào, bảo lạy ba lạy, lấy ra một xấp lụa Hà Ðông, năm xâu tiền đồng, xin ông Bình Chi thâu nạp học trò.
Ăn cơm xong, ông Gia dặn dò cháu rồi về. Chiểu chạy theo, khóc gọi ông: "Ông ơi, cháu chẳng học đâu. Học phải xa nhà, mất ông, mất cha mẹ thì học làm gì?" Ông Gia gạt nước mắt, bỏ đi như chạy. Ông Bình Chi dỗ Chiểu vào nhà. Thằng bé mơ hồ hiểu rằng học đòi văn chương là nó bước vào một cõi mà ở đấy, nó không thể nương tựa vào bất cứ cái gì, ngoài bản thân nó.
Hàng tháng, ông Gia sang Kẻ Lủ hai lần vào ngày mồng Một, ngày 16 mang tiền, gạo, nuôi cháu ăn học. Chiểu học rất tấn tới, mười tuổi đọc được Tứ Thư, Ngũ Kinh, mười hai tuổi giảng được sách, các sách "phá đề", "phá thừa", "khởi giảng", "đề tỉ", "trung tỉ" trong kinh nghĩa đều thông thạo. Ông Bình Chi bảo: "Thằng này học như thần, tựa như miếng đất khô, đổ nước đến đâu là thấm". Ông Gia thích lắm, bảo: "Họ nhà này mấy đời nay một chữ cắn đôi không biết, chỉ biết cày ải, gieo mạ, pha thịt lợn. Thằng này rồi mang vinh h